Bất cập trong việc xử lý
Trong khi ngành công nghiệp thuốc lá lợi dụng những kẻ hở về quy định để quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá thì việc xử lý vi phạm còn khá nhiều bất cập. Không những thế, việc xử phát người hút thuốc nơi công cộng cũng đang là vấn đề nan giải.
Theo kết quả đánh giá cộng đồng của Hội Y tế công cộng Việt Nam (tại 5 tỉnh/thành phố Hà Nội, Thái Bình, Đồng Tháp, Hà Tĩnh và Khánh Hòa) tiến hành trong tháng 4 vừa qua cho thấy: sau hơn 4 tháng triển khai cấm hút thuốc ở công cộng, tỷ lệ người dân thấy vi phạm tại các cơ quan, công sở là 37,4%, thấp hơn khá nhiều so với kết quả đánh giá tại tháng 9/2009 (gần 43%). Tuy nhiên, tại bến xe, nhà ga mức độ vi phạm vẫn còn cao (92%), việc vi phạm tại cơ sở y tế là 74,7% và trường học là 63.8%. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động nam giới có sử dụng thuốc lá vẫn còn ở mức cao với 33,3%, trong đó vẫn còn tỉnh có tỷ lệ hút thuốc gần 45%. Tình trạng hút thuốc tại phòng làm việc vẫn còn rất phổ biến. Có đến 43,4% người lao động vẫn hút thuốc tại nơi làm việc ngay cả khi có biển báo cấm hút thuốc. Đặc biệt, có đến 32,4% vi phạm do không thấy có người xử phạt.
Theo khuyến cáo của WHO, với phụ nữ thì ngành thuốc lá còn có nhiều không gian để mở rộng thị trường của mình. Trên khắp thế giới, 9% phụ nữ hút thuốc lá so với 40% ở nam giới. Trong hơn một tỷ người hút thuốc trên toàn cầu, chỉ có khoảng 200 triệu là phụ nữ. Chính vì thế các công ty thuốc lá đang đầu tư mạnh mẽ vào các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi ở của hầu hết những người hút thuốc mới tiềm năng là phụ nữ. Các quảng cáo của họ mục đích gắn hình ảnh hút thuốc với sự độc lập hay sắc đẹp ở phụ nữ. Trên thực tế, việc nghiện hút thuốc làm cho phụ nữ bị lệ thuộc vào nicotine, nhanh già và xấu đi. Theo kết quả điều tra cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá (QKT) của Th.S Lê Thị Thanh Hương, giảng viên trường ĐH Y tế công cộng tại 10 tỉnh/ thành phố cho thấy vi phạm quảng cáo chiếm tỷ lệ cao với 67,2%, vi phạm đồng thời cả quảng cáo và khuyến mại thấp hơn với 28,1%. Sự phân bố của các loại vi phạm theo từng vùng miền có sự khác biệt khá lớn. Chia sẻ tại hội thảo, Th.S Hương cũng cho biết, Việt Nam tham gia Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) của tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đó, đến năm 2010, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ Điều 13 của FCTC - Cấm hoàn toàn quảng cáo QKT. Tuy nhiên trong khi Dự thảo Luật phòng chống tác hại thuốc lá thì đến năm 2011 mới được đệ trình Quốc hội thì những kẻ hở trong quy định hiện hành như định nghĩa quảng cáo thuốc lá, chưa cấm trưng bày, chưa cấm hoàn toàn tại trợ theo FCTC… đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thuốc lá “lách luật”. Minh chứng cho vấn đề này Th.S cho hay, theo quy định của FCTC thì việc trưng bày sản phẩm thuốc lá ở những điểm bán thuốc lá chính là quảng cáo và xúc tiến bán hàng, do đó phải bị cấm. Tuy nhiên ở Việt Nam lại có quy định không trưng bày quá một bao/gói (10, 12, 20 điếu) hoặc trưng bày quá một tút/ hộp của một nhãn hiệu thuốc lá. Đây là kẻ hở lớn để ngành công nghiệp thuốc lá quảng cáo sản phẩm của mình. Kết quả khảo sát trong năm 2009 cho thấy ngay cả khi đưa ra quy định này thì tỷ lệ vi phạm trưng bày quá một bao/1 tút của một nhãn hiệu thuốc lá vẫn ở mức 91,2%.... “Hiện nay người dân vẫn chưa nhận thức rõ các hành vi quảng cáo thuốc lá là vi phạm pháp luật trong khi đó thanh tra lực lượng quá mỏng và chưa được tập huấn về vấn đề phát hiện, xử phạt vi phạm QKT thuốc lá, chưa kết hợp chặt chẽ với thanh tra thị trường. Bên cạnh đó việc xử phạt chỉ dừng lại ở điểm bán buôn, chưa đủ nguồn lực xử lý vi phạm ở điểm bán lẻ (tạp hóa, café…). Chính vì thế các hình thức vi phạm QKT thuốc lá vẫn ở mức cao”, Th.S Hương nhấn mạnh. Nhiều chuyên gia tham dự hội thảo cũng cho rằng việc cấm QKT là rất cần thiết bởi đây chính là nguyên nhân chính làm tăng mức tiêu thụ thuốc lá và lôi cuốn giới trẻ hút thử và hút thường xuyên. Bên cạnh đó, nó cũng khiến những người đã bỏ thuốc tiếp tục hút lại. Nhưng nguy hiểm nhất đó lá QKT thuốc lá tác động tiêu cực lên mọi đối tượng mục đích của các chương trình phòng chống tác hại thuốc lá Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu cấm hoàn toàn QKT sẽ làm giảm lượng tiêu thụ thuốc lá đến 7,4%. Chẳng hạn như ở Anh, không bị tác động của quảng cáo thuốc lá thì người hút thuốc có xu hướng bỏ thuốc cao hơn 1,5 lần. Tuy nhiên nếu chỉ cấm QKT thuốc lá một phần thì hiệu quả rất thấp. Xử lý hút thuốc nơi công cộng: Bất cập! Theo kết quả đánh giá cộng đồng của Hội Y tế công cộng Việt Nam (tại 5 tỉnh/thành phố Hà Nội, Thái Bình, Đồng Tháp, Hà Tĩnh và Khánh Hòa)) tiến hành trong tháng 4 vừa qua thì việc vi phạm hút thuốc vẫn diễn ra tại hầu hết các địa điểm được quy định trong khi đó việc xử phạt rất khó để thực hiện. Tại hội thảo, BS Lê Công Tạo, bệnh viện Đa khoa Chí Linh (Hải Dương), một trong những đơn vị có những sáng kiến trong việc triển khai mô hình không khói thuốc hiệu quả cho biết: “Bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện “Bệnh viện không khói thuốc” dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc. Bên cạnh đó, đơn vị đã có sáng kiến mời hai cán bộ công an và cảnh sát môi trường tham gia việc giám sát, xử phạt đối tượng vi phạm. Với quy định ai vi phạm sẽ bị xử lý mức phạt 100.000đ, sau một thời gian triển khai 100% cán bộ của bệnh viện không hút thuốc. Không những thế còn xử lý phạt được 11 người nhà cán bộ/bệnh nhân vi phạm tại bệnh viện”. Tưởng chừng sự chia sẻ của BS Tạo sẽ là tiền đề để nhân rộng trong ngành Y tế thì lại nhận được sự “phản biện” khắt khe của đại diện đến từ Sở Tư pháp Hà Nội. Theo đại điện của Sở tư pháp Hà Nội thì cách làm của Bệnh viện Đa khoa Chí Linh mặc dù có hiệu quả nhưng lại vi phạm luật. “Theo quy định, chỉ có một số đối tượng như thanh tra y tế, công an… được phép xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng chứ không phải ai cũng có quyền xử phạt. Ban chỉ đạo của bệnh viện có thể đưa ra những quy định xử phạt đối với cán bộ công nhân viên chức của mình chứ không thể áp dụng đối với những người ngoài cơ quan”, đại diện này nhấn mạnh. Thông tin này cũng khiến nhiều chuyên gia tham dự hội thảo “giật mình” nhìn lại vấn đề. Theo quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/1/2010, hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng sẽ bị xử phạt với hình thức từ nhắc nhở, cảnh cáo đến phạt tiền 50.000 - 100.000 đồng/vi phạm; tuy nhiên lại không quy định rõ ràng là đối tượng nào được tham gia vào công tác xử phạt. Trong khi đó kết quả khảo sát thực tế của Hội Y tế công cộng Việt Nam ở nhiều địa phương cho thấy có rất nhiều ý kiến của người dân trong việc xử phạt như nên phối hợp cùng chính quyền địa phương và công an vào công tác xử lý nhưng cũng có ý kiến là nên giao trách nhiệm trực tiếp cho các đơn vị quản lý khu vực đó… Trước những khó khăn đó, chuyên viên Vụ tư pháp - Bộ Y tế “hiến kế”: “Trước mắt, để tránh việc vi phạm luật thì các đơn vị nên áp dụng công tác tuyên truyền là chủ yếu. Nếu người ngoài cơ quan đến liên hệ công tác thì yêu cầu chấp hành nội quy không hút thuốc còn nếu không tuân thủ thì có thể yêu cầu ra khỏi cơ quan…”. Tuy nhiên, theo Th.S Nguyễn Ngọc Bích - Điều phối viên Hội Y tế công cộng Việt Nam thì đây chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt. Về tương lai lâu dài thì cần một hành làng pháp lý chặt chẽ để có thể xử lý triệt để. Cũng theo Th.S Bích thì mặc dù không nằm trong ban soạn thảo Dự thảo Luật phòng chống tác hại thuốc lá nhưng với tư cách là một trong những đơn vị được mời vào phản biện thì những ý kiến đóng góp trong hội thảo sẽ là tiền đề để Hội trình bày với ban soạn thảo nhằm khi Luật chính thức được ban hành sẽ không còn “kẻ hở” để tổ chức hay cá nhân “lách luật” vi phạm. Nguyễn Hùng
Mặc dù đã có quy định xử phạt khi hút thuốc ở nơi công cộng nhưng để thực thi không đơn giản một chút nào.
Ngành thuốc lá “lách luật” để vi phạm